Chú Giải Tin Mừng Chúa Nhật Tuần XXX Mùa Thường Niên - Năm B (Mc 10,46-52) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
CHÚA NHẬT TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN - NĂM B
TIN MỪNG: Mc 10,46-52

Noel Quesson - Chú Giải

Giêrikhô.

Về mặt lịch sử, đó là một trong những thành phố danh tiếng nhất thế giới. Nhưng đó cũng là thành phố “thấp nhất" thế giới: Nằm trong một miền trũng sâu gọi là Ghor, dưới mặt nước biển 250 mét gần Biển Chết, nên cảnh vật hoang vắng, lúc nào cũng thấp thoáng bóng dáng thần chết. Ở đây, loại cây cọ phát triển mạnh, tạo nên một vệt xanh tươi, một ốc đảo. Đó còn là một thành phố cổ xưa nhất thế giới. Theo ý kiến các nhà khảo cổ học, đã có người cư ngụ ở đó từ năm 7.800 trước, Chúa Giáng sinh, với những di tích đồn lũy có từ 7.000 năm trước Chúa Giáng sinh. Tổ phụ Abraham sống gần chúng ta hơn là thành phố đầu tiên này, một thành được coi là rất cổ ngay ở thời của tổ phụ.

Về mặt Kinh thánh, Giêrikhô là biểu tượng cho "công việc tiến vào miền đất hứa" ngay sau khi vượt qua sông Gio-đan. Đối với khách hành hương lên Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, cũng như đối với những đoàn người từ Galilê đi dọc theo sông Gio-đan thỉ đây là chặng đường cuối cùng, vì chỉ cách thủ đô 35 cây số.

Chúng ta đừng quên rằng, đối với Đức Giêsu cũng vậy đó là con đường dẫn đến Giêrusalem. Ngày mai (Mc 11,1) người ta tiến vào thành phố để hưởng chút vinh quang ngắn ngủi của buổi rước lá, dự buổi tiệc ly, trải qua cuộc thương khó, rồi Phục sinh.

Chữ Giêrikhô trong tiếng Do Thái có nghĩa là "thành phố mặt trăng", chắc chắn để kỷ niệm việc thờ kính xa xưa. Vị thần của ban đêm. Chính vì thế mà Đức Giêsu sẽ làm "dấu lạ" cuối cùng: Người sẽ chiến thắng đêm tối đang giam cầm một người mù đáng thương. Đức Giêsu, ánh sáng của chúng ta! Anh sáng soi chiếu đêm tối đời ta.

Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và đám đông dân chúng ra khỏi thành Giêrikhô.

Trong những ngày trước, theo trình thuật của Mác-cô (chương 8 đến 10) chính những môn đệ này đã tỏ ra họ hoàn toàn "mù tối" trước định mệnh thực sự của Đức Giêsu: Họ vẫn còn mơ tưởng danh dự và thành công theo kiểu loài người (Mc 10,37) trong khi Đức Giêsu đã ba lần báo trước cho họ thập giá của Người (Mc 8,31- 9,31- 10,34). Những bài đọc của 6 Chúa nhật vừa qua đã cho chúng ta thấy rằng, các môn đệ là những người không hiểu biết và với cái nhìn nhân loại, hoàn toàn không đủ tư cách để bước theo" Đức Giêsu. Phải "mất mạng sống mình" (8,35). Phải trở nên "người cuối chót". (9,35). Phải tự "móc mắt, chặt tay, chặt chân" để khỏi phạm tội (9,47). Phải "trung thành trong hôn phối" đến độ anh hùng (10,9). Phải "uống chén đắng và nhận phép rửa". Phải trở nên "đầy tớ của mọi người" (10,38-44). Không, lạy Chúa, không thể được đối với con người, dù người đó đã làm môn đệ của Chúa, nếu chỉ dùng sức riêng của con người để "theo Chúa".

Một người mù, tên là Bác-ti-mê, con ông Tiêm, đang ngồi ăn xin ở về đường.

Trong những xứ nghèo ở phương Đông, người bị mù rất đông. Trước khi phát minh phương pháp Braille cho người mù đọc được chữ nhờ ngón tay, người mù chỉ sống bằng cách ăn xin, ngồi tại chỗ. Trong biểu tượng Kinh thánh người mù là "hình trạng" của sự "khó nghèo", của con người bị bỏ rơi: Hãy nhìn hình ảnh đó! Đó là chân dung của bạn đấy! Con mắt tôi mù như đêm, bàn tay chìa ra, ngồi xếp dưới đất... Mù, không thể bước đi được, phải lệ thuộc kẻ khác một cách bi thảm. Nhưng nghịch lý thay, chính người "hành khất mù ngồi dưới đất" này, lại sắp trở thành gương mẫu cho tất cả chúng ta, cho các môn đệ là những người cứ "tưởng mình thấy rõ" (Ga 10,39-40).

Người hành khất mù ấy tên là Bác-ti-mê. Chỉ mình Máccô đã ghi lại tên của người này. Rất có thể ông Bác-ti-mê thuộc cộng đoàn những người Kitô hữu đầu tiên, lúc Máccô viết trình thuật này. Đó là một người mà người ta biết rõ: Một người đã được Đức Giêsu ban phép lạ. Bạn có biết Thiên Chúa cũng biết tên bạn, và Người thương yêu bạn với một tình thương cá biệt, không phải là nặc danh sao?

Anh ta vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Na-za-rét liền kêu lên rằng.

Theo thói quen của mình, Mác-cô luôn tỏ ra rất cụ thể. Chúng ta sắp xem một đoạn phim ngắn vô cùng linh động, trong đó mọi chi tiết được quan sát thật tinh tế, và có giá trị biểu tượng khá cạo.

Như ta biết người mù có một thính giác rất đặc biệt.

Bằng lỗ tai, ông ta đã nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, người Na-za-rét.

Ngồi trên mô đất ngoài của thành Giêrikhô, ông ta nghe tiếng ồn ào của một nhóm người đi qua trước mặt mình. Người ta nói cho ông biết rằng, đó là Đức Giêsu.

“Tôi chưa bao giờ thấy Thánh nhan Người nhưng những kẻ biết Người, đã nói với tôi về Người. Từ ngày đó, tôi mong Người đi qua và tôi nghe nói. Hôm nay Người đến.

Chúng ta cũng vậy, chúng ta cũng ở trong tình trạng của người mù trên: ta chưa bao giờ thấy khuôn mặt của Đức Giêsu.

Nhờ đức tin, chúng ta đã tin nói chứng tá của những kẻ biết Người và chúng ta cũng ngóng đợi bước chân Người đi ngang qua" Người "đang đến". Một ngày nào đó, chúng ta sẽ thấy Người.

Anh ta càng kêu lớn tiếng. Lạy con Vua Đa-vít xin dủ lòng thương xót tôi.

Từ trong bóng đêm của người này một niềm hy vọng cuồng say đã bùng dậy. Bấy giờ anh ta la hét lên. Anh cất tiếng cầu xin. "Xin thương xót tôi". Đó là tiếng kêu cứu của anh. Tiếng Hy Lạp là "Kyrie Eleison". Một truyền thống lâu đời của Giáo hội Đông phương đã dạy các tu sĩ ở Hy Lạp, Libăng, Xy-ri-a, Ai Cập, Cappadoce vùng Sa mạc... phương thế tự thánh hóa mình nhờ "lời cầu xin với Đức Giêsu bằng cách chỉ lặp đi lặp lại cách đơn sơ và không biết mỏi mệt những từ này: lạy Đức Giêsu, xin thương xót. Lạy Đức Giêsu, xin thương xót"... trong trình thuật của Mác-cô, tiếng Hy Lạp là "Ièsou, Éleisón, Lèsou, eléison... "

Chữ đầu đọc bằng cách hít hơi vào chữ sau bằng cách thở hơi ra, để nhịp nhàng theo cơ thể một lời cầu nguyện mà người ta muốn tinh thần của lời kinh thấm sâu vào toàn thể cuộc sống. Trong nhiều giờ liên tục, người ta có thể "thở" với Chúa trong ngực của mình. Kiểu cầu nguyện cao cả nhưng rất đơn giản này từ Phương Đông truyền cho chúng ta. Không cần phải đi Katmandou mới sống bằng thần khí được, vì thần khí muốn thổi đâu thì thổi. Kỹ thuật đáng thán phục của môn Yoga cũng có thể được những người đơn sơ nhất, sử dụng: vậy chúng ta hãy học cầu nguyện với hơi thở của mình.

“Hỡi con vua Đa-vít" ngày mai, ở Giêrusalem, đám đông dân chúng sẽ cầm cành lá vạn tuế trên tay để tung hô Đức Giêsu (Mc 11,10).

“Bí mật Thiên sai" không cần phải giữ nữa. Giờ đây cái chết của ông "Vua" thuộc dòng dõi Đa-vít đã gần kề. Mọi sự hiểu lầm về chính trị đã được gạt bỏ. Đấng cứu thế đã được chờ đón như là người "sẽ lập lại vương quyền tại Israel". Vì Đức Giêsu lên Giêrusalem, mọi người đầu nghĩ rằng, Chúa sẽ lên "nắm quyền". Người là "Vua", nhưng không phải theo kiểu những quốc gia trần thế (Mc 10,42; Mt 27,11; Ga 18,33-36) Vương miện của Người bằng gai nhọn. Con vua Đa-vít sinh ở Bêlem như tổ tiên, sẽ trị vì ở Giêrusalem như tiên tổ của Người? Nhưng không phải như đám đông mong đợi. Người sẽ đứng đầu bằng cách làm người sau chót, là nô lệ.

Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: "Lạy con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi".

Thời nào cũng có những người bắt buộc kẻ đáng thương phải im miệng. Luôn luôn có những hạng người khó mà làm cho kẻ khác hiểu mình: đó là những di dân, những người sống ngoài lề xã hội, những kẻ khuyết tật và những nạn nhân đủ loại. Tiếng kêu của người mù Bác-ti-mê vẫn còn vang lên…

Đức Giêsu dừng lại và nói: "Gọi anh ta lại đây”.

Rõ ràng, đó là một chi tiết. Nhưng chúng ta đừng vội lướt qua mà không tìm hiểu ý nghĩa của nó. Đức Giêsu sai các "môn đệ" bắt đầu phục vụ những kẻ nhỏ bé. Người nhờ các ông chuyển lời mời gọi của Người. Thiên Chúa cần con người Vậy Chúa nói với nhãn loại nhờ Giáo hội của Người. Và Giáo hội, chính là chúng ta, chúng ta có lắng nghe tiếng kêu luôn vọng lên chung quanh chúng ta không? Chúng ta có dội lại cho người anh em chúng ta tiếng kêu gọi của Chúa hay không? Để dẫn họ đến với Đấng cứu chuộc duy nhất? Người ta bàn cãi rất nhiều lần về "vai trò của Giáo hội": thì chính là vai trò đó! Bạn hãy lắng nghe tiếng kêu của thế giới. Bạn hãy kêu gọi thế giới, nhân danh Chúa!

Người ta gọi anh mù lại và bảo: "Cứ yên tâm, đứng dậy đi, Người gọi anh đấy".

Ở đây có một từ kỹ thuật Hy Lạp đáng lưu ý. "Đứng dậy" (égeiré) mà đáng lẽ người ta phải dịch là "thức dậy” hay "sống lại" (Mc 2,9-11, 3,3, 5,41, 9,27, 10,49). Đó là sứ điệp của Giáo hội, nhân danh Chúa.

Anh mù liền vất áo choàng lại nhảy chồm lên mà đến gần Đức Giêsu.

Trong ngôn ngữ Kinh thánh, chiếc "áo ngoài" là biểu tượng cho quyền lực của con người (làm 18,4, 24,6, 2V 2,14, R 3,9). Đụng chạm tới áo ngoài của Đức Giêsu cũng đủ để lành bệnh. Việc người mù vứt bỏ áo ngoài của mình, tượng trưng cho một thứ "đoạn tuyệt với quá khứ của anh. Vào thời Máccô, người vừa được rửa tội, sẽ cởi áo ngoài của mình để mặc áo rửa tội.

Người hỏi: "Anh muốn tôi làm gì cho Anh?".

Câu hỏi thật kỳ cục, nếu ta chỉ hiểu câu chuyện cách nông cạn. Chắc hẳn, Đức Giêsu biết rõ người mù đang mong đợi điều gì nói Người. Nhưng cảnh này được coi như một lễ rửa tội từ đầu đến cuối: Người dự tòng cần phải được “soi sáng" để tự mình "tuyên xưng Đức tin".

Anh mù đáp: Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được".

Vào thời Máccô, người ta gọi phép rửa là "việc khai sáng". Đó là bí tích mở mắt.

Lạy Chúa, xin cho con được thấy: Lạy Chúa, xin mở mắt con ra.

Người nói: "Cứ về đi, lòng tin của anh đã cứu chữa anh; tức khắc anh ta nhìn thấy được và theo Người lên đường”.

Phép rửa đó là bước vượt qua từ bóng tối tiến tới ánh sáng. Đó là công cuộc cứu độ.: điều không thể đối với con người, nếu cần dựa vào sức riêng của mình, nay đã trở nên có thể... và đó là bắt đầu theo Đức Giêsu. Luca sẽ nói về các môn đệ làng Emmau: "Lúc bấy giờ mắt họ mở ra". Vâng, họ đã mù, dù là với đôi mắt mở rộng.

Về phần anh Bác-ti-mê, anh sẽ mãi mãi nhớ "khuôn mặt đầu tiên" mà anh đã thấy, khi mắt anh đã được mở ra. Lạy Chúa, khi nào mắt chúng con sẽ được mở ra. Lạy Đức Giêsu, xin hãy đến!

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

"Lạy Thầy xin cho con được thấy"

BÀI TIN MỪNG: Mc 10, 46-52

I. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện chữa lành cho một người mù ở gầy thành Giêricô, có ý diễn tả Chúa Giêsu mở tâm hồn người ta để họ tin theo Người.

II. SUY NIỆM:

1/ "Chúa Giêsu ra khỏi thành giêricô":

* Chi tiết khác nhau về vấn đề "Ra khỏi thành" của Mt 20, 29 và Mc 10, 46 với "Đến gần thành" của Lời Chúa 18, 33. Lý do là vì: đời Chúa Giêsu có hai thành Giêricô một thành cũ và một thành mới do vua Hêrôđê Cả và Akêlau nới rông và sửa sang lại. Muốn vào thành Giêricô mới thì phải qua thành Giêricô cũ. Khi Chúa Giêsu đi qua thành cũ đến cửa thành mới thì Người chữa cho người mù. Mt và Mc kể Chúa " Ra khỏi thành " rồi mới làm phép lạ có ý nói thành Giêricô Cũ, còn Lời Chúa nói Người làm phép lạ "Khi đến gần cửa thành" là nói đến thành mới.

* "Cũng cùng với các môn đệ và một đám đông":

Vì gần đến lễ vượt qua nên dân chúng cũng nhập bọn với các môn đệ đi theo Chúa Giêsu từ Galilê để về Giêrusalem mừng lễ.

* "Con ông Timê tên là Bratimê":

Mt thuật lại có hai người mù (Mt 20,30) và sự thật là như vậy, nhưng Lc và Mc ở đây chỉ kể lại có một người mù vì các ông chỉ chú ý vào người mù mà người thuật chuyện biết tên tuổi, tức là Batimê con ông Timê, còn người mù kia các ông bỏ qua không nhắc đến.

* "Một người mù": ám chỉ người chưa có đức tin, còn đang sống trong sự tối tăm vì xa cách Chúa.

* "Đang ngồi ăn xin": diễn tả một hoàn cảnh đói khổ đáng thương, cần sự giúp đỡ. Ở đây có ý nói đến người chưa có đức tin thì khổ sở đáng thương, cần ơn Chúa soi sáng để nhận biết Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc.

* "Ở vệ đường" đồng nghĩa với "Đầu đường xó chợ" diễn tả một hoàn cảnh bơ vơ không nơi nưng tựa bảo đảm. Ở đây có ý nói đến người chưa có đức tin thì cũng giống như người mù: sống trong sự tối tăm không có ánh sáng chiếu soi, sống bơ vơ bất định, không có nơi nương tựa để bảo đảm sự sống đời đời.

2/ "Hỡi ông Giêsu Con vua Đavít xin thương xót tôi":

*Giêsu: là một con người ở Nagiaret, có tính cách khả giác mà người mù nhận ra qua sự nghe biết.

*Con vua Đavít: chỉ tước hiệu Đấng Cứu Thế của dân Israel mà người mù nhận ra được qua niềm tin. Đây là một sự công bố, một lời tuyên xưng Chúa Giêsu gọi là Đấng Cứu Thế. Chính lời tuyên xưng này đã làm cho anh, một con người xa cách vì bệnh mù thể lý biểu hiện sự thiếu vắng đức tin, đến gần Chúa Giêsu để nhận biết Người và đón nhận Người nhờ đức tin.

*Xin thương xót tôi: xin ai điều gì thì tin người đó có điều mình xin. Ở đây có ý nói người mù tin vào Chúa Giêsu là người có quyền chữa anh khỏi bệnh mù.

3/ "Nhiều người mắng anh bảo im đi":

Đây là thái độ cản trở có ý nghĩa như những thử thách của đức tin.

*Nhưng anh càng kêu to hơn: chính sự cản trở của nhiều người khiến anh kêu to lên, vì sự xác tín của niềm tin trong lòng đã thúc đẩy anh kêu to lên như vậy. Ở đây diễn tả những thử thách có giá trị tôi luyện làm cho đức tin vững mạnh thêm.

4/ "Hỡi Con Vua Đa vít xin thương xót tôi":

Qua lời " Kêu to hơn" này cho ta thấy anh không còn gọi Giêsu, một con người khả giác nữa, những anh trực tiếp tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Điều này muốn nói: đức tin phải vượt qua sự khả giác để nhìn thấy cái thâm sâu thiêng liêng bên trong là bản tính Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô.

5/ "Chúa Giêsu dừng lại và gọi anh đến":

*Cử chỉ dừng lại: nói lên Chúa Giêsu chấp nhận lời thỉnh cầu của người mù, đồng thời cũng nói lên sức mạnh của đức tin mà người mù đã biểu lộ qua lời thỉnh cầu.

*Và truyền gọi anh đến: đức tin đã đưa con người đến gặp gỡ Thiên Chúa.

6/ "Người ta gọi người mù...":

Hai thái độ tương phản của dân chúng đối với người mù:

*Thái độ quát mắng ở trên nói lên cái nhìn theo kiểu con người thì khó chấp nhận người mù vì anh ở vào thân phận bất xứng với con người vì thời đó có quan niệm mù là hậu quả của tội lỗi.

*Thái độ mời gọi: Chúa Giêsu vừa mới gọi anh mù, tức thì thái độ dân chúng thay đổi vừa mới la mắng anh, bây giờ đổi ra tưởng lệ anh. Điều này muốn nói: đặt ý mình vào ý Chúa, chúng ta sẽ thay đổi cái nhìn đối với tha nhân: Từ cái nhìn "Nghịch" sang cái nhìn "Thuận" với tha nhân.

7/ "Anh ta liệng áo choàng, đứng dậy đến với Chúa Giêsu":

*Áo choàng là vật dụng của những người Đông Phương thường dùng để nhận các tặng vật. Cử chỉ liệng áo choàng biểu lộ sự cởi bỏ đời sống ăn xin đáng thương của thân phận mù loà, và qua đó cũng trình bầy sự từ bỏ đời sống tối tăm của người chưa có niềm tin.

*Đứng dậy: là dấu chỉ của sự biến đổi, biến đổi từ sự xa cách của người thiếu vắng đức tin sang sự gần gũi, gặp gỡ của người đón nhận ánh sáng đức tin đối với Thiên Chúa.

*Đến cùng với Chúa Giêsu: người mù đến với Chúa Giêsu để được sáng, cũng như người chưa có đức tin đến với Chúa để được ơn soi sáng nhận biết Chúa.

 8/ "Anh muốn ta làm gì cho anh?":

Chúa Giêsu đặt câu hỏi này có ý gợi lên cho người mù một cơ hội tuyên xưng niềm tin của anh cách công khai và cụ thể.

9/ "Lạy Thầy, xin cho tôi được thấy":

Tiếng lạy Thầy (Rabbuni) diễn tả sự tôn kính và thần tính, xác nhận sự gặp gỡ giữa người mù với Chúa Giêsu cũng là sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.

* "Xin cho tôi được thấy": người mù không xin tiền, không xin gì khác, chứng tỏ ý muốn của anh " Xin cho được thấy " rất mạnh. Ở đây diễn tả lòng xác tín và vững mạnh của niềm tin.

10/ " Được, đức tin của anh đã cứu chữa anh ":

Chúa có ý nói điều kiện để được Chúa cứu chữa là đức tin. đức tin đem lại cho chúng ta sự sống đời đời. trong Tân ước có rất nhiều trường hợp nói lên sự quan trọng của đức tin:

+ Với người bất toại (Mc 11, 15).

+ Với hai người mù (Mt 9, 29).

+ Với người bệnh cùi (Lc 17, 19).

+ đối với các tông đồ (Mt 8, 26; 16, 8 - 9; Mc 4, 4; Ga 20, 29; Lc 8, 25)

III. ÁP DỤNG:

A/ Áp dụng theo Tin Mừng:

Qua bài Tin Mừng hôm nay Giáo Hội muốn chỉ cho chúng ta thấy: đức tin là điều kiện để Chúa làm phép lạ và do đó những ai muốn đến gặp gỡ Chúa thì phải có niềm tin vào Chúa. Hiểu rõ chân lý này, chúng ta là những người đã có đức tin, cần phải biết bảo vệ, nuôi dưỡng và phát triển đức tin mỗi ngày một triển nở hơn.

B/ Áp dụng thực hành:

1/ Nhìn vào Chúa Giêsu:

a/ Xem việc Người làm:

Chúa Giêsu dừng lại và gọi người mù đến: Chúa có thái độ thông cảm trước cảnh khổ của người mù, khác với thái độ ruồng rẫy của dân chúng. Chúng ta noi gương Chúa để có lòng thương người như Chúa thương ta.

b/ Nghe lời Người nói:

Anh muốn Ta làm gì cho anh? hàng ngày Chúa cũng nói với ta qua tha nhân, qua mỗi biến cố sẩy ra cho tha nhân hay cho chính bản thân ta... để gợi lên cho ta cơ hội tuyên xưng lòng tin, niềm cậy và lòng mến của ta đối với Chúa cách công khai.

2/ Nhìn vào người mù:

* Người mù ngồi ăn xin bên vệ đường: đây là hình ảnh diễn tả thân phận người mù tối đức tin là cái mù tinh thần.

* Hỡi ông Giêsu con vua Đavít xin thương xót tôi. Người mù tuyên xưng Chúa trước khi Người cứu giúp. Chúng ta nhận ra rằng điều kiện để Chúa ban ơn cứu giúp là đức tin.

* Nhưng anh càng kêu to hơn: người ta càng ngăn cản, anh càng kêu to hơn, thử thách có giá trị tôi luyện đức tin. Vì thế, ta càng gặp thử thách càng phải giữ vững niềm tin vào Chúa hơn.

3/ Nhìn vào dân chúng:

* Nhiều người mắng anh: đây là thái độ coi rẻ và khinh miệt những người đau khổ hèn yếu.

* Người ta gọi anh mù: đây là thái độ tưởng lệ người đau khổ vì Chúa.

4/ Nhìn vào các môn đệ:

Người mù tin tưởng vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, đó là gương mẫu của môn đệ Chúa Giêsu.

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.